NGHIÊN CỨU

“Kiến trúc Việt Nam giai đoạn 1975 – 2020: Thực tiễn và triển vọng”

Đánh giá: (Tốt) (Báo cáo)

au 45 năm Đất nước thống nhất, thời gian đủ dài để nhìn lại, đánh giá quá trình phát triển của kiến trúc nước nhà. Hơn nữa, trong 45 năm ấy, thế giới biến đổi không ngừng. Đất nước cũng trải qua các giai đoạn phát triển với nhiều khó khăn, thách thức. Đặc biệt là gần đây, sau hơn 30 năm Đổi mới, Đất nước phát triển nhanh về mọi mặt, có thể nói chưa từng có trong lịch sử. Tất cả đều được phản ánh qua kiến trúc.

Vì thế, bài viết mong muốn nhìn nhận, đánh giá thực tiễn 45 năm phát triển kiến trúc qua các giai đoạn, để qua đó nêu lên triển vọng phát triển của kiến trúc nước nhà theo hướng hiện đại và có bản sắc trong thế giới toàn cầu hóa.

Hình 1a. Mặt băng Khu chung cư Thanh Đa (1968-1972)

Hình 1a. Mặt băng Khu chung cư Thanh Đa (1968-1972)

Kiến trúc Việt Nam giai đoạn 1975-1986

Đây là giai đoạn đặc biệt khó khăn. Đất nước mới hòa bình, thống nhất nhưng không bình yên. Trong lúc cả dân tộc đang nỗ lực để khắc phục hậu quả của chiến tranh thì lại phải đối diện với vô vàn khó khăn do cấm vận, do buộc phải tiếp tục chiến đấu để bảo vệ biên giới phía Tây Nam và phía Bắc chống lại bọn bành trướng Trung Quốc. Trong bối cảnh khó khăn ấy, kiến trúc không có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển.

Tuy nhiên, để có thể hiểu thực trạng kiến trúc Việt Nam giai đoạn 1975-1986 không thể không tìm hiểu và đánh giá giá trị của quỹ di sản kiến trúc đã được hình thành ở 2 miền Nam Bắc trước năm 1975. Đây là những căn cứ thực tiễn quan trọng góp phần định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam hiện đại.

1. Miền Nam

Trước năm 1975, với thể chế TBCN, lại trong bối cảnh chiến tranh với sự có mặt của hơn nửa triệu lính Mỹ, chưa kể các đồng minh của Mỹ, kiến trúc có những đặc điểm cơ bản, là:

Về đô thị và nông thôn: Mạng lưới đô thị phát triển rộng, nhưng phần lớn không theo quy luật cơ bản và phổ biến của đô thị hóa, mà chủ yếu phục vụ nhu cầu của chiến tranh với các công trình như: Sân bay, cảng, căn cứ quân sự và hậu cần,… (được gọi là đô thị hóa giả tạo). Ví dụ, TP Đà Năng là căn cứ quân sự trọng yếu của miền Trung nhưng tập trung cả triệu người. Đặc biệt là TP Sài gòn, điển hình của hiện tượng đô thị hóa giả tạo. Số dân tập trung đông, khoảng 5 triệu người, không phải do nhu cầu của sản xuất công nghiệp mà chủ yếu là phục vụ nhu cầu của quân đội và là nơi để người dân trốn tránh chiến tranh.
Ở khu vực nông thôn, hiện tượng nổi bật là chính sách phát triển nông thôn theo mô hình “Khu trù mật” và “Ấp chiến lược”. Chiến lược này được chính quyền thực hiện không theo quy luật phát triển làng xã và thị tứ thông thường mà nhằm tập trung người dân để dễ quản lý, kiểm soát với ý đồ tách người dân khỏi lực lượng kháng chiến.

Hình 2. Dinh Độc lập – Hội trường thống Nhất hiện nay (1962-1966), KTS Ngô Viết Thụ thiết kế , được xây dựng trên nền của Dinh Norodom xưa

Hình 2. Dinh Độc lập – Hội trường thống Nhất hiện nay (1962-1966), KTS Ngô Viết Thụ thiết kế , được xây dựng trên nền của Dinh Norodom xưa

Về kiến trúc: Kiến trúc miền Nam trước năm 1975 phát triển khá đa dạng về xu hướng kiến trúc với nhiều quy mô và thể loại công trình khác nhau, tạo được bộ mặt kiến trúc mới, hiện đại, nhất là ở các TP lớn. Sau khi đất nước thống nhất, nhiều vấn đề nan giải ở đô thị và nông thôn cần phải được giải quyết, như: Chuyển đổi mô hình kinh tế, tổ chức lại sản xuất, phân bố lại dân cư và nhà ở,… Mô hình “Khu kinh tế mới” với lực lượng nòng cốt là thanh niên bấy giờ ở miền Nam là một ví dụ.Tuy nhiên, điểm tích cực của kiến trúc miền Nam thời bấy giờ là: Nhiều lý luận, xu hướng phát triển đô thị, kiến trúc, công nghệ và vật liệu xây dựng mới, tiến bộ của thế giới đã được du nhập, trước nhu cầu xây dựng nhiều thể loại công trình, các KTS có điều kiện thuận lợi để thể hiện tài năng. Họ đã tạo nên những giá trị của kiến trúc hiện đại miền Nam. Nổi bật nhất là phong cách kiến trúc nhiệt đới hiện đại. Điều đặc biệt là, các KTS ở miền Nam, kể cả các KTS những thế hệ đầu tiên do Pháp đào tạo, đã đoạn tuyệt với ngôn ngữ kiến trúc cổ điển Pháp mà sáng tác theo xu hướng hiện đại. Những công trình tiêu biểu, như: Đồ án mở rộng Sài Gòn của KTS Doxiadis, Làng Đại học Thủ Đức, Khu chung cư Thanh Đa, Dinh Độc Lập (Hội tường Thống nhât), Thư viện quốc gia, Bệnh viện Vì Dân, Chùa Xá Lợi,… (Hình. 1,2,3,4)

Hinh 3. Thư viện quốc gia (1968-1972), KTS Nguyễn Hữu Thiện, KTS Bùi Quang Hanh thiết kế và được xây dưng trên nền của Nhà tù trung tâm thời Pháp.

Hinh 3. Thư viện quốc gia (1968-1972), KTS Nguyễn Hữu Thiện, KTS Bùi Quang Hanh thiết kế và được xây dưng trên nền của Nhà tù trung tâm thời Pháp.

Hình 4. Bệnh viên Vì dân (1974), KTS Trần Đình Quyền thiết kế

Hình 4. Bệnh viên Vì dân (1974), KTS Trần Đình Quyền thiết kế

2.Miền Bắc

Đường lối xây dựng XHCN tiếp tục chi phối mọi hoạt động kinh tế và đời sống xã hội ở miền Bắc, trong đó có quy hoạch và kiến trúc. Trên thực tế, trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn, nhưng nhiều thể loại công trình vẫn được xây dựng nhằm khắc phục hậu quả của chiến tranh và phục vụ công cuộc xây dựng xã hội XHCN.

Hình 5a. Khu tập thể Giảng Võ, Thiết kế của Viện Nhà ở Hà Nội (1980)

Hình 5a. Khu tập thể Giảng Võ, Thiết kế của Viện Nhà ở Hà Nội (1980)

Hình 5b. Kiến trúc nhà ở Khu tập thể Giảng Võ, Thiết kế của Viện Nhà ở Hà Nội (1980)

Hình 5b. Kiến trúc nhà ở Khu tập thể Giảng Võ, Thiết kế của Viện Nhà ở Hà Nội (1980)

Về phát triển đô thị và nông thôn: Phương pháp quy hoạch mới theo mô hình Trung Quốc và Liên Xô XHCN được áp dụng. Nhiều đô thị được thiết kế quy hoạch chung và nhiều khu nhà ở tập thể được xây dựng. Trong khi ở nông thôn, phong trào hợp tác hóa vẫn phổ biến và cấp huyện được coi là trọng tâm để phát triển nông nghiệp và nông thôn. (Hình 5,6,7)

Hinh 6a. Mặt bằng Khu tập thể Thanh Xuân Bắc, Hà Nội

Hinh 6a. Mặt bằng Khu tập thể Thanh Xuân Bắc, Hà Nội

Hinh 6b. Toàn cảnh Khu tập thể Thanh Xuân Bắc, Hà Nội

Hinh 6b. Toàn cảnh Khu tập thể Thanh Xuân Bắc, Hà Nội

Hình 7. Đồ án quy hoạch thủ đô Hà Nội, 1982 (Liên Xô giúp)

Hình 7. Đồ án quy hoạch thủ đô Hà Nội, 1982 (Liên Xô giúp)

Về kiến trúc: Điểm nổi bật là, tư tưởng thiết kế theo xu hướng Hiện thực XHCN Việt Nam do các KTS được Pháp đào tạo khởi xướng ở giai đoạn trước vẫn được các KTS tốt nghiệp trong nước và từ các nước XHCN về (như Liên Xô, Trung Quốc, Đông Âu và Cu Ba,…) tiếp tục phát triển như một dòng chủ lưu chính trong sáng tác kiến trúc. Đó là các công trình xây dựng mới, được thiết kế với triết lý giống như của các KTS ở miền Nam, là không lệ thuộc vào ngôn ngữ kiến trúc cổ điển Pháp mà có hình thức kiến trúc đơn giản, mạch lạc thể hiện tinh thần của kiến trúc hiện đại, tạo ấn tượng vững chãi, phù hợp với điều kiện kinh tế còn hạn chế ở miền Bắc thời bấy giờ (Hình 8,9,10,11) [1].

Hình 8. Cung Văn hóa hữu nghị Việt Xô, Hà Nội (1980), KTS Liên Xô thiết kế [5]

Hình 9. Bảo tàng Hồ Chí Minh, KTS Liên Xô thiết kế [5

Hình 10. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (1960), KTSĐoàn Văn Minh

Hình 10. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (1960), KTSĐoàn Văn Minh

Hình 11. Cung Thiếu nhi Hà Nội (1970), KTS Lê Văn Lân

Hình 11. Cung Thiếu nhi Hà Nội (1970), KTS Lê Văn Lân

Có thể nói, giai đoạn 1975-1986 là giai đoạn khá đặc biệt đối với kiến trúc nước nhà, có nhiều kỳ vọng với sự nỗ lực tìm tòi và thể nghiệm đi cùng với thành công và thất bại, để lại những bài học đắt giá.

Sau khi đất nước thống nhất, một kỳ vọng thường trực về tương lai của Việt Nam XHCN hùng cường. Vì thế, nhiều ý tưởng quy hoạch, kiến trúc thể hiện tư duy duy ý chí, nôn nóng với những dự báo không sát với thực tiễn đã xuất hiện. Khi kỳ vọng vượt quá khả năng, cùng với trình độ chuyên môn còn hạn chế, chưa tương xứng, nên nhiều chương trình quy hoạch và kiến trúc, trên thực tế không thu được kết quả như mong đợi, nhất là ở miền Bắc, để lại nhiều bài học quý giá trên con đường xây dựng nền kiến trúc nước nhà. Chương trình phát triển đô thị toàn quốc mà mỗi đô thị có sự giúp đỡ của một nước XHCN hay chương trình phát triển nông thôn với 500 pháo đài huyện hoặc quy hoạch mở rộng thủ đô Hà Nội lên Vĩnh Yên,… là những ví dụ tiêu biểu. Xét về nguyên nhân, bên cạnh nguyên nhân khách quan, thì nguyên nhân chủ quan do cơ chế quan liêu, bao cấp là cơ bản nhất, đã kìm hãm sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Kiến trúc Việt Nam giai đoạn 1986 – nay

Chủ trương Đổi mới quản lý kinh tế từ bao cấp sang cơ chế thị trường định hướng XHCN của Đảng thực sự đã trở thành động lực thúc đẩy nhanh chóng sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước trong hơn 30 năm qua, trong đó có kiến trúc. Tốc độ đô thị hóa và phát triển kiến trúc diễn ra nhanh chưa từng có trong lịch sử, làm thay đổi nhanh chóng bộ mặt kiến trúc, cảnh quan đô thị và nông thôn ở nước ta theo cả hai hướng tích cực và tiêu cực.

Hiện nay, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 trong bối cảnh Toàn cầu hóa và Biến đổi khí hậu đang chi phối mạnh mẽ sự phát triển của thế giới và làm thay đổi sâu sắc quan điểm phát triển kiến trúc. Thế giới đang nỗ lực như Tuyên ngôn của Đại hội KTS quốc tế UIA -Seoul 2017 hướng tới xây dựng môi trường sống có chất lượng, an toàn và thông minh hơn nhờ vào tiến bộ của công nghệ, trong đó ưu tiên phát triển Kiến trúc xanh, Kiến trúc thân thiện và bền vững với môi trường. Trong bối cảnh ấy, kiến trúc ở nước ta đang phát triển với những đặc điểm chính, là:

1. Về quy hoạch đô thị và nông thôn

Những năm gần đây, hầu hết các đô thị và trung tâm xã ở nông thôn đã được lập quy hoạch, trong đó các đồ án quy hoạch, nhất là quy hoạch chung đã trở thành công cụ quản lý quan trọng trong phát triển đô thị và nông thôn ở nước ta. Bộ mặt kiến trúc đô thị và nông thôn đã thay đổi căn bản theo hướng tích cực. Đô thị đã khẳng định được vai trò là động lực chính phát triển kinh tế-xã hội của đất nước (chiếm hơn 75% GDP).

Hình 12. Khu đô thị mới Ecopark, Hà Nội

Khu đô thị mới, kể cả khu nhà ở xã hội với chất lượng môi trường cư trú cao hơn, tiệm cận với chuẩn mực quốc tế là những tiến bộ trong phát triển môi trường cư trú ở đô thị ở nước ta.
Bên cạnh đó, trong phát triển đô thị hiện nay, một số mô hình tiến bộ, như đô thị xanh, sinh thái, đô thị thông minh,… cùng với việc coi trọng các giá trị văn hóa truyền thống nhằm mục đích nâng cao chất lượng môi trường sống của người dân đã bắt đầu thu hút sự quan tâm của các cấp chính quyền, của các chuyên gia và doanh nghiệp. (Hình 12 )

Nhưng, nhìn chung, hạn chế cơ bản vẫn là chất lượng nhiều đồ án quy hoạch chưa cao, nhất là quy hoạch nông thôn. Bên cạnh đó công tác quản lý còn nhiều bất cập, dẫn đến quy hoạch bị điều chỉnh khá thường xuyên. Theo đó, sử dụng đất chưa hiệu quả, gây lãng phí, hình ảnh kiến trúc và cảnh quan đô thị và nông thôn thiếu đặc trưng. Đó là hệ quả tất yếu của tình trạng đô thị và nông thôn phát triển nhanh về số lượng, nhưng chất lượng môi trường sống chưa được chú trọng, để lại hậu quả ô nhiễm lâu dài về môi trường sống và diện mạo kiến trúc, cảnh quan.

2. Về kiến trúc

Khác với các nghệ thuật khác, kiến trúc – nghệ thuật tạo lập môi trường sống trực tiếp cho con người, nếu không có nhiều công trình được xây dựng thì khó có thể khẳng định được tác giả và xu hướng kiến trúc. Thật may mắn là, trong giai đoạn Mở cửa – Đổi mới, kiến trúc có cơ hội và điều kiện thuận lợi để phát triển với sự đa dạng về thể loại, quy mô của công trình kiến trúc. Đây là điều kiện tiên quyết để có thể hy vọng về một nền kiến trúc Việt Nam hiện đại và có bản sắc trong tương lai.

Trong thời gian qua, có thể thấy, nhiều xu hướng, trào lưu kiến trúc thế giới được đông đảo KTS trong nước và nước ngoài hành nghề ở Việt Nam đón nhận. Trong đó có những xu hướng chính, như:

– Xu hướng hiện đại – xu hướng chung trong thời đại toàn cầu hóa tiếp tục được khẳng định là xu hướng chính. Đây là xu hướng với sự đa dạng về các phong cách kiến trúc, như: Xô Viết, High-tech, Hiện đại mới, Tượng trưng, Thô mộc, Tối giản, Biểu hiện,… Trong đó, điều rất cần được nhấn mạnh là phong cách Nhiệt đới hiện đại được hình thành ở miền Nam trước đây, nay đang được nhiều KTS nghiên cứu phát triển theo hướng phù hợp với điều kiện tự nhiên, khí hậu và văn hóa của từng địa phương. Đây là triết lý sáng tác kiến trúc rất đáng được trân trọng, khuyến khích, góp phần hình thành nên phong cách kiến trúc địa phương mới – hiện đại và bản sắc trên cả nước trong thời gian tới (Hình 13,14) [3]

Hình 13. Cụm công trình Keangnam, Hà Nội, KTS nước ngoài thiết kế

 

Hình 14. Khu Đào tạo trường Đại học Viettel, Thạch Thất, Hà Nội,
KTS Võ Trọng Nghĩa [Internet]

– Xu hướng Truyền thống, đúng hơn là xu hướng kết hợp hiện đại và truyền thống trong kiến trúc. Hiện nay ở nước ta, xu hướng kết hợp hiện đại và truyền thống là xu hướng tiến bộ và phù hợp với văn hóa của người Việt. Xu hướng này được nhiều KTS theo đuổi và đã có những thành công bước đầu rất đáng khích lệ. Tuy nhiên, vẫn chưa đủ để định hình một xu hướng chính thống của kiến trúc Việt Nam đương đại. Vì thế, có thể coi xu hướng kết hợp hiện đại và truyền thống trong kiến trúc ở nước ta hiện nay vẫn đang phát triển dựa trên những nguyên tắc của chủ nghĩa Chiết trung, thể hiện ở sự kết hợp các yếu tố văn hóa kiến trúc khác nhau trong kiến trúc đương đại. Đây, thực sự là mảnh đất màu mỡ cho sự tìm tòi, sáng tạo các phong cách kiến trúc mới, phù hợp với nền tảng văn hóa và khát vọng sáng tạo của nhiều thế hệ KTS Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa.

 

Có thể nhận thấy 2 cách tiếp cận chính trong sáng tác kiến trúc theo xu hướng này ở nước ta.

Cách thứ nhất là sáng tạo kiến trúc hiện đại trên cơ sở khai thác có chọn lọc những giá trị độc đáo, nhất là tinh thần đặc trưng của kiến trúc truyền thống. Do đó các công trình được thiết kế theo xu hướng này, nếu thành công thường là những tác phẩm độc đáo, đặc sắc, hiện đại nhưng rất Việt Nam. Số lượng các tác phẩm như thế trên thực tế chưa nhiều để có thể trở thành một xu hướng kiến trúc chính của Việt Nam. Hy vọng với triết lý sáng tác kiến trúc này, có thể tạo nên một xu hướng Kiến trúc hiện đại Việt Nam với tên gọi là xu hướng Tân truyền thống mà chúng ta đang rất cần trong thời gian tới (Hình 15-16).

Cách tiếp cận thứ 2 là sáng tạo kiến trúc hiện đại trong sự kết hợp cùng lúc nhiều yếu tố đặc trưng của kiến trúc truyền thống khác nhau, giống như cách tiếp cận ban đầu của phong cách Kiến trúc Đông Dương thời Pháp. Cách tiếp cận này gần với quan niệm kết hợp văn hóa hay, nói cách khác là quan niệm hỗn dung văn hóa khá phổ biến của người Việt. Điều này đặt ra cho chúng ta suy nghĩ, không phải là không có cơ sở về một Phong cách Tối đa trong kiến trúc của người Việt thời hiện đại, ngược hẳn với phong cách Tối giản của người Nhật (Hình 17-18).

 

Hình 17. Hội thánh Cao Đài, Tòa thánh Tây Ninh [Internet]

Hình 18. Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (1968), HS Nguyễn Đỗ Cung [5]

– Xu hướng Kiến trúc xanh, kiến trúc vì cộng đồng. Có thể đánh giá đây là thành công đáng chú ý nhất của kiến trúc Việt Nam hiện nay. Kiến trúc xanh được Hội KTS Việt Nam khởi xướng lần đầu tiên bằng Tuyên ngôn Kiến trúc xanh năm 2011 nay đã đi những bước đầu tiên vào cuộc sống, được xã hội biết đến và thế giới công nhận. Nhiều KTS, nhất là KTS trẻ đã khẳng định tên tuổi của mình không chỉ ở trong nước mà trên thế giới thông qua các công trình đoạt giải thưởng. Giải thưởng cao nhất của Hội KTS quốc tế lần đầu tiên giành cho KTS Việt Nam – KTS Hoàng Thúc Hào năm 2018 là một minh chứng (Hình 19),.

 

Hình 19. Nhà cộng đồng xã Cẩm Thanh – KTS Hoàng Thúc Hào

– Xu hướng nệ cổ thể hiện rõ qua 2 hướng:

  • Thứ nhất là xu hướng sử dụng các thức kiến trúc cổ điển phương Tây trong các công trình xây dựng mới hiện nay. Không ít các công trình từ công sở đến nhà ở gia đình được thiết kế và xây dựng theo xu hướng này, mà có người gọi là phong cách Tân cổ điển phương Tây. Đây là điều đặc biệt đang diễn ra trong kiến trúc Việt Nam đương đại, đồng thời đặt ra nhiều vấn đề cần được lý giải, đó là: Tại sao điều này không diễn ra trong kiến trúc đương đại ở nhiều nước khác trên thế giới mà lại ở Việt Nam? Vấn đề văn hóa và kiến trúc? Tính thời đại của kiến trúc? Và phải chăng kiến trúc Việt Nam hiện đại mới chưa đủ khả năng để thể hiện đầy đủ vị thế xã hội của chủ nhân, nhất là chủ nhân thuộc tầng lớp mới giàu lên, nên phải mượn ngôn ngữ kiến trúc cổ điển Pháp? (Hình 20).
  • Hướng thứ 2 là lặp lại hình thức kiến trúc cổ truyền thống, đặc biệt trong các công trình tôn giáo, tín ngưỡng được xây dựng mới hiện nay, như Chùa mới với quy mô lớn với kết cấu và vật liệu hiện đại. Xu hướng này cũng đang đặt ra nhiều vấn đề cần được lý giải. Chẳng hạn như về việc sử dung lại về cơ bản ngôn ngữ kiến trúc truyền thống, về quy mô quá lớn của công trình, về mối quan hệ hài hòa giữa công trình với cảnh quan thiên nhiên và về tâm lý thụ cảm của người Việt với công trình? (Hình 21).

Hình 20. Tràng Tiền Plaza, Hà Nội, KTS nước ngoài thiết kế [Internet]

Nhận xét

Kiến trúc là sản phẩm hữu dụng của cộng đồng, vừa phản ánh trung thực, vừa phụ thuộc trực tiếp vào thể chế chính trị, trình độ phát triển kinh tế xã hội. Và cuối cùng, kiến trúc luôn mang giá trị văn hóa đại diện của cộng đồng, dân tộc và đất nước, nhất là khi công trình kiến trúc trở thành tác phẩm kiến trúc.

Ngày nay, tốc độ đô thị hóa nhanh, chưa từng có trong lịch sử, đã làm thay đổi căn bản diện mạo kiến trúc và môi trường sống ở đô thị và nông thôn ở nước ta theo hướng hiện đại. Đó là kết quả sự phối hợp thực hiện của Chính quyền, Nhà đầu tư, Người dân và KTS, trong đó có sự đóng góp hiệu quả của các nhà đầu tư tư nhân trong nước.

Để nhận xét, có thể thẳng thắn nhìn nhận, cụ thể như:

  • Về quy hoạch đô thị và nông thôn. Hạn chế cơ bản là phát triển nhanh về số lượng, mà ít quan tâm đến chất lượng sống, để lại hậu quả ô nhiễm lâu dài về môi trường sống và diện mạo kiến trúc, cảnh quan;
  • Về kiến trúc, kiến trúc hiện đại Việt Nam có bản sắc chưa thực sự định hình, cũng như chưa tận dụng lợi thế của công nghệ số trong thiết kế kiến trúc, trong khi kiến trúc nệ cổ theo kiểu trưởng giả vẫn hiện diện;
  • Kiến trúc xanh phát triển theo hướng chủ động có sự kết hợp ứng dụng công nghệ và vật liệu cao chưa nhiều. Kiến trúc vì cộng đồng chưa lan tỏa rộng trong xã hội;
  • Kiến trúc nhà ở, nhất là chung cư cao tầng với mật độ xây dựng quá cao và hình thức kiến trúc đơn điệu chắc chắn sẽ để lại hệ lụy lâu dài – vấn đề mà các nước đi trước đã gặp phải;
  • Kiến trúc nông thôn, đặc biệt là nhà ở chưa được nhiều KTS quan tâm để có những đóng góp hiệu quả. Và vẫn còn đó những giải pháp bảo tồn di sản kiến trúc không chuẩn, lệch lạc.

Tóm lại, nhiều vấn đề đang đặt ra cần có lời giải đối với sự phát triển kiến trúc Việt Nam theo hướng hiện đại, bản sắc trong thời gian tới.

Về nguyên nhân của những tồn tại nêu trên, có nguyên nhân chủ quan từ phía giới KTS là về trình độ chuyên môn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của xã hội. Và nguyên nhân khách quan là về môi trường hành nghề Kiến trúc còn nhiều bất cập cùng với sự can thiệp quá mức vào các đồ án, trong nhiều trường hợp của chính quyền và nhà đầu tư tư nhân, nhất là nhà đầu tư lớn, dẫn đến điều chỉnh, thậm chí thay đổi thiết kế vì lợi nhuận thương mại. Hy vọng Luật Kiến trúc có hiệu lực từ 1/7/2020 sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc hình thành môi trường hành nghề kiến trúc lành mạnh, chuyên nghiệp.

 

Hình 21. Chùa Tam Trúc [Internet]

Về triển vọng, thực tiễn phát triển kiến trúc trong hơn 30 năm Đổi mới vừa qua có thể cho phép hy vọng và tin tưởng vào tương lai của kiến trúc hiện đại Việt Nam, cụ thể là:

 

  • Niềm tin được đặt vào đội ngũ KTS trẻ Việt Nam. Qua thực tiễn hành nghề, các KTS trẻ đã khẳng định được năng lực để trở thành lực lượng tiên phong trong sự nghiệp phát triển kiến trúc Việt Nam. Còn về xu hướng và phong cách kiến trúc. Những thành công của kiến trúc Việt Nam thời gian qua cho thấy những xu hướng và phong cách kiến trúc có thể đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kiến trúc Việt Nam hiện đại, bản sắc và tiệm cận với các xu hướng kiến trúc tiến bộ trên thế giới. Đó là:
  • Theo xu hướng hiện đại có các phong cách Nhiệt đới hiện đại và Địa phương mới;
  • Với xu hướng kết hợp hiện đại và truyền thống là phong cách Tân truyền thống;
  • Đặc biệt là xu hướng Kiến trúc xanh, bởi không chỉ là xu hướng kiến trúc bền vững, phổ biến trên thế giới mà hoàn toàn phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của từng vùng miền khác nhau ở nước ta. Kiến trúc xanh có thể được áp dụng đối với tất cả các thể loại công trình kiến trúc. Tuy nhiên, tùy theo thể loại công trình, có thể khai thác kinh nghiệm truyền thống theo kiểu thiết kế thụ động cũng như có thể sử dụng các thiết bị và công nghệ hiện đại trong công trình theo kiểu thiết kế chủ động.

Để kết luận, có thể nói kiến trúc hiện đại Việt Nam vẫn đang định hình.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Trần Trọng Chi, Nguyễn Luận, Nguyễn Trực Luyện, Nguyễn Hữu thái, Nguyễn Quốc Thông: Nửa thế kỷ kiến trúc Việt Nam, NXB Thời Đại, Hà Nội 2010.
2. Trần Hùng, Nguyễn Quốc Thông, Thăng Long – Hà Nội 10 thế kỷ đô thị hóa, NXB Xây dựng, Hà Nội 2000.
3. Vũ Hiệp, Nhận diện các xu hướng sáng tác kiến trúc hiện đại Việt Nam, trong Lý luận và Phê bình kiến trúc ở Việt Nam, NXB Thanh Niên 2018.
4. Nguyễn Bá Lăng: Kiến trúc phật giáo Việt Nam, Tập I, Viện Đại học Vạn Hạnh, 1972.
5. Lê Văn Lân (Chủ biên): 55 năm kiến trúc Hà Nội, NXB Thời đại 2010.
6. Vũ Đình Thành: Thu thập, sưu tầm những tinh hoa của kiến trúc truyền thống Việt Nam, phục vụ cho sáng tác kế thừa kiến trúc dân tộc và nghiên cứu, quản lý ngành xây dựng, Dự án sự nghiệp kinh tế, Viện Kiến trúc quốc gia, Bộ Xây dựng, Hà Nội 2014.
7. Trần Ngọc Thêm, Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam, NXB TP. HCM 1996.
8. Nguyễn Đình Thi: Dự báo các loại hình nhà ở nông thôn phù hợp với cơ cấu kinh tế nông nghiệp – Tạp chí Kiến trúc, 5/2015.
9. Nguyễn Quốc Thông – Quá trình hình thành và phát triển kiến trúc Việt Nam, trong Lý luận và Phê bình kiến trúc ở Việt Nam, NXB Thanh Niên 2018.

Xem thêm: Kiến trúc Việt Nam giai đoạn 1975 – 2020:Thực tiễn và triển vọng (Phần I)

GS.TS.KTS Nguyễn Quốc Thông
Hội KTS Việt Nam

Nguồn

Bài viết liên quan

    AI, kiến trúc hình thái và phong thủy

    AI, kiến trúc hình thái và phong thủy

    09/08/23 170 0

    Trong thời đại công nghệ, trí tuệ nhân tạo phát triển mạnh mẽ, sự kết hợp của lĩnh vực kiến trúc với công nghệ sinh học và dữ liệu môi...

    Khoa Học đằng sau Âm học - Tiêu Âm

    Khoa Học đằng sau Âm học - Tiêu Âm

    17/04/22 252 0

    Giải pháp âm học trong thiết kế văn phòng: chúng ta đều biết rằng cần phải làm gì đó với nó để đảm bảo chất lượng cũng như sức khỏe và năng...

CHỦ ĐỀ TƯƠNG TỰ

Update data ...